Dùng vi sinh vật tạo chất xúc tác sinh học mới
-Viện nghiên cứu enzyme chịu nhiệt có trụ sở tại Kobe, Nhật Bản vừa tuyên bố, cơ quan này đã hợp tác với Đại học Osaka nghiên cứu chất xúc tác sinh học mới trên cơ sở lợi dụng vi sinh vật.
Chất xúc tác là vật chất thúc đẩy quá trình phản ứng hóa học. Thông thường có hai phương pháp tạo ra chất xúc tác sinh học. Một là, trực tiếp lợi dụng “phương pháp lên men” vi sinh vật; hai là, “phương pháp lấy enzyme” do vi sinh vật tạo ra.
Lợi dụng phương pháp lên men để tạo ra chất xúc tác sinh học, mặc dù giá cả tương đương với chất xúc tác hóa học, tuy nhiên độ tinh khiết rất thấp; lợi dụng “phương pháp lấy enzyme,” mặc dù có thể tạo ra chất xúc tác sinh học có độ tinh khiết tương đương với chất xúc tác hóa học, tuy nhiên giá cả lại rất cao.
Công nghệ mới do Viện nghiên cứu enzyme chịu nhiệt nghiên cứu đã kết hợp đặc tính của hai phương pháp “lên men” và “lấy enzyme.” Trước tiên, các nhà khoa học cấy một gen có thể sản sinh enzyme chịu nhiệt vào vi sinh vật đặc biệt.
Sau khi vi sinh vật hoàn thành quá trình sản sinh enzyme, các nhà khoa học đã tăng nhiệt để tiêu diệt chúng. Trong quá trình này, vi sinh vật đặc biệt đã phát huy vai trò làm phong phú các enzyme chịu nhiệt. Do sau khi tăng nhiệt, bề mặt tế bào của vi sinh vật mở ra các lỗ nhỏ, vì thế các enzyme bên trong càng dễ dàng tham gia vào phản ứng hóa học.
Chất xúc tác sinh học có thể được ứng dụng trong rất nhiều phản ứng hóa học, giá cả và độ tinh khiết của chúng tương đương với chất xúc tác hóa học truyền thống. Hơn nữa, sử dụng chất xúc tác sinh học còn có thể giảm thiểu tác động xấu tới môi trường./.
Hóa học ngày nay (The Vietnam+)
Thứ 2, ngày 18/02/2013 14h30